Trang chủ Tin tức - sự kiện

Chuyến hành trình về với đất tổ Vua Hùng của tập thể lớp 6A7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình)

29/03/2024

Chuyến hành trình về với đất tổ vua hùng của tập thể lớp 6a7 trường thcs nguyễn tri phương “con người có cố có tông/ như cây có cội như sông có nguồn”

Đúng ngày thành lập Đoàn 26-3-2024, chúng em được BGH nhà trường tổ chức chuyến hành trình tham quan đền Hùng nằm trên ngọn Núi Cả (Núi Nghĩa Lĩnh) để thế hệ học sinh chúng em tìm về cội nguồn, tìm về với nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.

Với nhiều bạn học sinh đây là lần đầu tiên được đến thăm vùng đất tổ của các Vua Hùng nên ai cũng háo hức và phần khởi. Ngay từ 5h30 sáng, tập thể 6A7 chúng em đã tập trung đông đủ. Có bạn cả đêm mất ngủ vì háo hức, hồi hộp nhưng trông gương mặt bạn nào cũng cũng tràn đầy năng lượng.

Đúng 6h00 xe chúng em xuất phát, sau gần hai tiếng đồng hồ chúng em đã đến chân núi Cả (nay gọi là núi Nghĩa Lĩnh). Quang cảnh núi rừng xanh mướt hiện ra, những dãy núi cao trùng điệp, sừng sững uy nghi ẩn hiện trong màn sương sớm; không khí trong lành mát dịu.

Theo lời anh hướng dẫn viên chúng em cùng cất gọn ba lô, túi xách vào vị trí của lớp và bắt đầu chuyến hành trình khám phá thế giới của các vị thần. Bước chân lên 65 bậc thang bằng đá, bạn sẽ đến cổng đền của Đền Hùng. Cổng đền của Đền Hùng được xây dựng vào năm 1917, tức năm Khải Định thứ 2. Cổng có hình vòm cuốn cao 8,5m, bao gồm hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống. 4 góc tầng mái trang trí hình Rồng và đắp nổi hai con Nghê. Giữa tầng 1 bức đại tự đề 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”, tạm dịch là “lên núi cao nhìn xa rộng”. Mặt sau cổng đền có đắp hai con hổ mang ý nghĩa là hiện thân của vật canh giữ thần.

Qua cổng đền, bạn phải leo tiếp hơn 100 bậc đá để lên đến Đền Hạ. Tương truyền Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Phía sau đền ngày nay vẫn còn dấu tích của giếng “Mắt Rồng” nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng khi xưa. Tại đây chúng em được làm lễ dâng hương, được nghe tìm hiểu về lịch sử Đền Hùng và các anh chị khối lớp 9 còn được vinh dự tổ chức lễ kết nạp đoàn ở nơi linh thiêng này. Nhìn các anh chị đoàn viên ưu tú chúng em lại ước ao mình sẽ lớn bằng các anh chị để được đứng trong hàng ngũ của Đoàn.

Tiếp tực leo lên cao nữa, ở lưng chừng núi là Đền Trung. Đền Trung ở Đền Hùng còn gọi là Hùng Vương Tổ miếu được tương truyền là nơi các Vua Hùng ngắm cảnh và luận bàn việc nước cùng chư vị Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu – vị hoàng tử đã làm ra bánh chưng bánh dày.

Leo lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh bạn sẽ đến Đền Thượng. Đền Thượng là đền cao nhất trong quần thể Đền Hùng, nằm trên đỉnh núi, có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh điện (Điện cầu trời) hoặc Cửu trùng thiên điện (Điện giữa chín tầng mây). Tương truyền rằng khi xưa đây là nơi các vua Hùng tổ chức lễ tế trời đất và thần lúa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Đồng thời, đây cũng là nơi gắn với sự tích Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh thắng giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng dẹp giặc và bay về trời, vua cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi. Về sau, nhân dân đặt bài vị vua Hùng vào để thờ cúng

Sau khi thắp hương nơi Đền Thượng, chúng em lại được anh hướng dẫn viên đưa xuống thăm Đền Giếng. Đền Giếng ở Đền Hùng có tên chữ là Ngọc Tỉnh, tương truyền là nơi hai vị công chúa của Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, vấn tóc. Hai bà có công lớn trong việc dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được lập đền thờ phụng muôn đời tại đây.

Chuyến trải nghiệm đã giúp chúng em có những bài học quý giá, chúng em càng hiểu hơn câu nói của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 1 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website