Đền Hùng – Những trải nghiệm đáng nhớ của tập thể 7A1 (THCS Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội)

27/03/2024

Ngày 26/3/2024 trường THCS Nguyễn Tri Phương đã tổ chức chương trình học tập ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh toàn trường với mục đích bồi dưỡng kiến thức, tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc, kết hợp với kết nạp Đoàn cho các học sinh lớp 9. 7A1 đã rất vui và hào hứng khi địa điểm được trải nghiệm lần này là khu di tích Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Trong tâm hồn của người Việt, lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là điểm tựa tinh thần văn hoá. Mỗi năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, người Việt đều hướng về vùng đất Cội nguồn để tưởng nhớ và tôn vinh công lao các Vua Hùng. Đền Hùng không chỉ là biểu tượng đoàn kết dân tộc mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và biết ơn đối với các Vua Hùng đã xây dựng nước và bảo vệ biên cương. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, một ngày chung của toàn dân, khi mọi trái tim đều hướng về một hướng: Đền Hùng.

Đền Hùng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 100km về phía Bắc. Nơi đây là một quần thể kiến trúc độc đáo với lăng tẩm, đền, miếu cổ kính. Theo những biến cố lịch sử và thách thức của thời gian, các kiến trúc tại đền Hùng đã được nhiều lần trùng tu và xây mới, đặc biệt là vào năm 1922.

Xuất phát từ trường lúc 6h30, khoảng 8h00, chúng em đã đến cổng khu di tích lịch sử đền Hùng. Cảm giác đầu tiên khi chạm đất linh thiêng này là một cảm xúc tự hào, choáng ngợp về sự rộng lớn, đồ sộ. Chúng em đã ghi dấu ấn bằng một bức hình tập thể rất đẹp.

Khu di tích được bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ và cây cổ thụ vững chãi như thiên tuế, đa, thông,…. Chúng em bắt đầu hành trình thăm quan bằng việc ghé thăm khu di tích Đền Hạ, được truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng. Tại đây, bọn em và các thầy cô được làm lễ dâng hương, nghe giới thiệu về lịch sử Đền Hùng.

Tiếp ttheo là di chuyển đến đền Trung, là nơi các vua Hùng họp bàn bạc với các Lạc hầu, Lạc tướng. Ở đỉnh núi là đền Thượng, đây là nơi vua Hùng thường làm lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa. Từ đền Thượng hướng về phía Tây nam là đền Giếng, chứa một giếng đá nước trong vắt quanh năm. Theo truyền thuyết, các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của Hùng Vương thứ mười tám, thường đến đây gội đầu.

  • Ấn tượng nhất là khi tất cả được tham quan bảo tàng Hùng Vương với khung cảnh và cách trưng bày thật hoành tráng các hiện vật, hình ảnh, chứng tích lịch sử của dân tộc Việt Nam thời các Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Tại đây, chúng em được nghe các thầy cô kể những câu chuyện, được khám phá hiện vật và hình ảnh phản ánh các hình thức sinh hoạt phong phú của các dân tộc gắn với lịch sử của các đời vua Hùng. Trong bảo tàng có bức ảnh Bác Hồ đang nói chuyện thân mật với cán bộ chiến sĩ thuộc “Đại đoàn Quân tiên phong”, làm chúng em nhớ đến lời căn dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa đền Hùng đã giúp chúng em có thêm trải nghiệm quý giá. Chúng em cũng thêm trân trọng và biết ơn các vua Hùng và ý thức được trách nhiệm giữ gìn truyền thống của dân tộc.

BTT Lớp 7A1 – Phạm Bảo Anh

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 9 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Liên kết website