Trang chủ Giới thiệu Các tổ chuyên môn

Một vài gợi ý về đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2022-2023 ngày 18/6/2022

18/06/2022
Một vài gợi ý về đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2022-2023 ngày 18/6/2022

 

Đề thi môn Ngữ văn kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 sáng ngày 18/6/2022

 

 

           Nhận xét chung:

  1. Nội dung kiến thức
  • Kiến thức cơ bản, nằm trong phần học kì 2 học sinh đã đi học trực tiếp nên thuận lợi cho cả thầy và trò về chuẩn kiến thức, kĩ năng. Đề chọn bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” yêu cầu viết đoạn văn trong một khổ thơ mang giá trị cơ bản: thầy dạy kĩ – trò học kĩ.
  • Vấn đề nghị luận văn học ở phần I và vấn đề nghị luận xã hội ở phần 2 đều hướng tới vẻ đẹp tâm hồn của con người – đây là điều rất cần trong hoàn cảnh xã hội lúc này. Học sinh dễ có vốn xã hội để liên hệ.
  1. Kĩ năng:
  • Đề vừa sức, dạng đề giống như mọi năm không thay đổi, quen thuộc với học trò nên học sinh dễ xử lí. Trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng hai năm liền thì đây là đề có ý nghĩa tích cực, nhân văn.
  • Các câu hỏi mạch lạc, rõ ràng.
  1. Thời gian và điều kiện làm bài:
  • Độ khó và độ dài của đề phù hợp với thời gian 120 phút.

 

Gợi ý đáp án:

 Phần I:

Câu 1:

- Thể thơ: 5 chữ

- Mạch cảm xúc: Từ tình yêu và sự say mê trước mùa xuân thiên nhiên đất nước đến khát vọng cống hiến cho cuộc đời và kết thúc ở khúc hát ca ngợi quê hương mang âm hưởng dân ca xứ Huế.

Câu 2: Giá trị gợi hình và gợi cảm của hình ảnh “giọt long lanh”:

- Giá trị gợi hình: Một hình ảnh đẹp có thể hiểu theo hai nghĩa:

+ Giọt sương, giọt mưa mùa xuân trong trẻo, lấp lánh

+ Giọt âm thanh - tiếng chim chiền chiện - cao vút, tươi sáng (cách hiểu ẩn dụ)

Dù hiểu theo nghĩa nào thì hình ảnh này cũng là biểu trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân đẹp đẽ làm rung động lòng người

 - Giá trị biểu cảm: Thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế => tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống tha thiết

Câu 3:

 HS có thể lựa chọn một trong số nhiều văn bản sau: “Mùa xuân của tôi” – Vũ Bằng; “Cảnh ngày xuân” – trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du (văn bản đã giảm tải); “Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)” – Hồ Chí Minh; “Ông đồ” - Vũ Đình Liên.

Câu 4:

*Hình thức: đoạn văn theo phép lập luận Tổng hợp – phân tích – tổng hợp, 12 câu

*Yêu cầu Tiếng Việt: câu bị động, phép thế

*Nội dung: vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả (ở khổ thơ đã cho – khổ 2 bài “Mùa xuân nho nhỏ”)

- LĐ 1: Cảm nhận về vẻ đẹp của mùa xuân đất nước

+ Mùa xuân phơi phới với hai nhiệm vụ bảo vệ và lao động xây dựng đất nước qua hình ảnh "người cầm súng" và "người ra đồng".

Điệp ngữ "Mùa xuân" nhấn mạnh không gian xuân phơi phới đang lan toả khắp nơi nơi.

+ Hình ảnh "Lộc" giàu sức gợi cảm căng tràn sức sống vừa mang ý nghĩa chỉ chồi non lộc biếc vừa tượng trưng cho sự may mắn đầy hứa hẹn.

+ Sự đồng lòng nhất trí của cả dân tộc (điệp ngữ "Tất cả", từ láy tượng hình, tượng thanh "hối hả", "xôn xao" => nhịp điệu sôi động khẩn trương)

 - LĐ2: Cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:

 + Náo nức, vui tươi, phấn khởi

 + Yêu mến, tự hào

+ Lạc quan, tin tưởng vào sự phát triển tương lai của quê hương đất nước.

 * HS có thể phân tích từng cặp câu thơ trong khổ và triển khai làm rõ từng ý theo yêu cầu đề bài.

  Phần II:

Câu 1: * HS có thể trả lời một trong hai đáp án:

- Phép liên kết: phép nối – từ “nhưng”

- Phép liên kết: phép lặp – từ “hạnh phúc”

* “Tấm gương lương tâm” là hình ảnh ẩn dụ

Câu 2: Theo tác giả, điều giúp con người cảm thấy hạnh phúc:

+ khi có một gương mặt đẹp … - vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thức

+ khi con người có một tâm hồn đẹp… - vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất

Con người cảm thấy hạnh phúc vì có vẻ ngoài đẹp nhưng quan trọng hơn là tâm hồn đẹp, phẩm chất đẹp.

Câu 3: Yêu cầu chung:

 * Kiểu bài: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

HS cần biết sử dụng ngữ liệu đã cho nhưng đặc biệt là việc hiểu biết xã hội để trình bày suy nghĩ về việc: sự cần thiết…

* Về hình thức: đảm bảo đủ dung lượng 2/3 trang giấy và cấu trúc của một bài nghị luận/ đoạn văn nghị luận. (HS có thể sủ dụng các hình thức nghị luận khác nhau nhưng phải đảm bảo kiểu bài nghị luận xã hội)

* Về nội dung: HS cần làm rõ

- Thế nào là vẻ đẹp tâm hồn? biểu hiện cụ thể trong đời sống: Vẻ đẹp tâm hồn trước hết nằm ở cá nhân con người: sống lạc quan, giàu yêu thương, sẵn sàng chia sẻ; thấu hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp (d/c:  ông bà, cha mẹ; các y bác sĩ, các lực lượng chống dịch, các thầy cô giáo; …)

- Tại sao việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn lại cần thiết?

+ Với bản thân: giúp mỗi người có cuộc sống giá trị, lối sống tích cực... Tâm hồn đẹp khi soi vào tấm gương lương tâm sẽ tự tin hơn, là tấm gương, lan tỏa những điều tốt đẹp.

+ Đối với xã hội: lan tỏa năng lượng sống lành mạnh, tạo nên sức mạnh cộng đồng vượt qua những khó khăn.

+ Liên hệ với hoàn cảnh cá nhân và xã hội: việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh; sự trân trọng những điều tốt đẹp mình nhận được.

- Nếu không biết nuôi dưỡng tâm hồn? Con người sống khô cằn, vị kỉ...

- Làm thế nào để nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn?

+ nhận thức đúng về ý nghĩa vẻ đẹp tâm hồn.

+ Những việc làm cụ thể: Bồi dưỡng về kiến thức bằng đọc và học từ mọi người, bồi đắp cảm xúc, biết yêu thương, quan tâm,...

+ Cần có sự chung sức của cả xã hội: biểu dương người tốt việc tốt, lên án những việc làm xấu. 

- Khẳng định lại ý nghĩa của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn đối với cá nhân và xã hội.  

 

 
Các thầy cô giáo tổ Xã hội trường THCS Nguyễn Tri Phương Ba Đình- Hà Nội

 

Nguồn tin: (Cô Phạm Thị Hương Giang cùng tổ Xã hội trường THCS Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội)

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website