Trang chủ Phong cách NTP Nhà trường văn hóa

Chuyến đi nghỉ mát Quy Nhơn - Phú Yên của tập thể CBGV-NV trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình)

17/06/2023
Quy Nhơn - Phú Yên mùa nắng vàng trên biển xanh.
Sau một năm học bận rộn và kì thi vào 10 căng thẳng của học trò lớp 9 đã tạm lắng xuống, hội đồng sư phạm trường THCS Nguyễn Tri Phương cùng bước vào mùa hè rực rỡ ở vùng biển Quy Nhơn - Bình Định.
 
Chuyến đi kéo dài 4 ngày, mỗi ngày đều vô cùng ý nghĩa vì chúng tôi tận dụng khoảng thời gian này để thư giãn, chuyện trò, cười đùa với nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn, tăng khả năng gắn kết của một tập thể. Mỗi bước chân đi, chúng tôi gom góp thêm cho mình những trải nghiệm lịch sử, văn hóa hết sức bổ ích, đón nhận về mình nhiều cảm xúc để chuyển hóa thành năng lượng tích cực cho một năm học mới.
 
Chúng tôi hồ hởi phấn khởi biết bao khi đặt chân tới bãi biển Kỳ Co lồng lộng gió, rực rỡ nắng, lấp lánh cát vàng biển xanh. Chụp ảnh mê say, lặn ngụp trong làn nước biển trong vắt, đùa giỡn trên những con sóng và ngắm nhìn rặng san hô tuyệt đẹp là liệu pháp chống lão hóa hiệu quả nhất của các cô chú anh chị em trong đoàn. Bởi vậy, chúng tôi không quên khen nhau trẻ đẹp, ai cũng thành người đẹp trước ống kính của nhiếp ảnh gia: bác Trần Ngọc Bình và cô giáo Kiều Minh.

 
Chúng tôi còn xao xuyến, bồi hồi; thương cảm và mến phục biết bao khi nghe những câu chuyện về con người, vùng đất nơi đây - nổi tiếng về võ mà lại là đậm chất văn. Nơi đây đất biển hình trăng khuyết gắn với thi sĩ Hàn Mặc Tử -  người dùng mệnh bạc hun đúc thành những áng thơ vàng:
"Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò..."
Nơi đây còn hình bóng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trầm tư ôm cây đàn sáng tác khúc tình ca da diết:
"Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về.
Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya."
Chúng tôi háo hức và thích thú vô cùng vì được đến thăm vùng đất là cái nôi của chữ quốc ngữ. Được tận mắt quan sát cuốn "Phép giảng tám ngày" - cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam vẫn còn đang lưu giữ ở nhà thờ Mằng Lăng hay tham quan tiểu chủng viện Làng Sông là nơi đặt nhà in đầu tiên ở Đàng Trong đầu thế kỉ 17.

Với lịch trình linh hoạt, chúng tôi được trải nghiệm sức sống và tiềm năng phát triển của Quy Nhơn không chỉ ở du lịch mà còn ở lĩnh vực khoa học, công nghệ. Khu trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn hiện đại thú vị khiến các bạn nhỏ và cả các bạn "lớn" trong đoàn say mê tìm hiểu, trải nghiệm quên lối về

Mỗi nơi chúng tôi đi qua: đầm Thị Nại, đầm Ô Loan - vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thương mại, tháp Nghinh Phong biểu tượng của Phú Yên, ghềnh Đá Đĩa kỳ quan thiên tạo, tháp đôi Chăm Pa kỳ quan nhân tạo ... đều để lại ấn tượng sâu đậm. Vì điểm du lịch nào cũng được nghe lời thuyết minh vừa hóm hỉnh vừa chứa đựng nhiều kiến thức lịch sử, địa lí, văn hóa từ anh Khôi - hướng dẫn viên đặc biệt đồng hành với đoàn suốt cả chặng đường. Chúng tôi đồng cảm với niềm tự hào, tình yêu tha thiết về thành phố biển quê hương của anh. Cũng như chúng tôi luôn tự hào khi nghĩ về những di tích lịch sử, thắng cảnh trên mảnh đất Ba Đình mà trường Xanh tọa lạc. Tạm biệt Quy Nhơn - Phú Yên mênh mang đất trời, phóng khoáng lòng người, đoàn trường Nguyễn Tri Phương trở lại với ngõ nhỏ, phố nhỏ rợp bóng cây xanh của Hà Nội thân quen. Đi thật xa để trở về...
Chân thành cảm ơn BGH, BCH Công đoàn nhà trường đã quan tâm, chu đáo tổ chức chuyến tham quan ý nghĩa! Cả đoàn cảm ơn bác Trần Ngọc Bình, cô giáo Kiều Minh lăn xả trong cái nắng gió của miền Trung chỉ để lưu lại cho mọi người những tấm ảnh đẹp tuyệt vời!
Quy Nhơn, tháng 6 năm 2023


 
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 8 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website