Trang chủ Phong cách NTP Nhật ký tâm hồn

8: HỘI TỤ VÀ TRI ÂN

16/06/2016

Trên đất nước Việt Nam, ta có thể dễ dàng thấy bất kỳ một dòng họ nào cũng có người từng đi bộ đội. Và càng dễ dàng hơn để có thể tìm được trong các dòng họ Nghiêm, Đoàn, Nguyễn, Vũ, Dương, đã có mặt những con người từng góp công trong hai cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược! Nhân ngày 27/7, kỉ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam, Nhà trường và Công đoàn đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các đồng chí Ngân, Như, Phú, Hải, Tùng, Lượng, mà tên của các bạn ấy vinh dự được gắn HỌ, được là thân nhân của thương binh, bệnh binh.Tại buổi gặp mặt, trong không khí đầm ấm và trang trọng, chúng tôi đã cùng nhau ôn lại và cùng phác thảo chân dung những con người ưu tú của một thời lửa đạn năm nào.

NHƯ DÒNG NƯỚC MÁT TUÔN CHẢY TỪ NGUỒN, nuôi lớn những rừng cây, rồi về với biển. Các bác là những người chiến sĩ ĐÃ từng sống và chiến đấu, ĐANG và TIẾP TỤC sự nghiệp vệ quốc thiêng liêng của đất nước ta, là những dòng nước trong trẻo ấy, đến với cuộc đời này bởi sứ mệnh cao khiết. Dẫu gian khổ, dẫu hi sinh cũng không lùi bước, không tính toán!

Bố đẻ cô giáo Nghiêm Hoàng Ngân là bác Nghiêm Quý Dân. Vào sinh ra tử nơi chiến trường B, bác đã phải trải qua những tháng ngày gian khổ tại nhà tù Phú Quốc. Chiến tranh đã giữ lại của người chiến sĩ ấy một cánh tay phải, để ông mang thương tật của một thương binh1/4. Vậy mà, hòa bình trở về, chàng trai Hà Nội hào hoa ấy, vẫn mê hoặc một bông hoa Tràng An duyên dáng, đang là cô giáo dạy Văn tại trường THCS Ba Đình. Bà là Hoàng Thị Phi Phụng vốn là con của nghệ sỹ nhân dân Trúc Quỳnh. Có lẽ kết tinh tình yêu đẹp của cha mẹ, mà Ngân đã kịp tỏa sáng, cô trở thành giáo viên dạy nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp TP liên tục nhiều năm, được mang họ của hai người, một dũng tướng tài ba và một tâm hồn chan chứa văn chương.

Bố đẻ cô giáo Nguyễn Thị Phú là bác Nguyễn Nhật Thăng. Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, bác không kịp về xum họp cùng gia đình mà lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Chỉ khi trên mình mang những vết thương nặng vào năm 1982 ở chiến trường Campuchia, khi bác trở thành một thương binh, thì khi ấy, con người quen mùi súng đạn hơn mùi hoa sữa nồng nàn trên con phố Hoàng Hoa Thám, bác mới về đoàn tụ bên những người thân yêu của mình. 50 năm tuổi Đảng của người cha anh dũng, kiên trung là một động lực không nhỏ, để cô con gái xinh xắn càng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bố đẻ cô giáo Đoàn Quỳnh Như là bác Đoàn Bình Thanh. Lớn lên trong không gian hòa bình của Miền Bắc, nhưng Miền Nam còn chìm trong lửa đạn, bác Thanh đã khai tăng tuổi để được đứng trong đoàn quân Nam Tiến. (Khác với bây giờ, một số người lại khai giảm tuổi để ở lại “cống hiến”). Nhưng “đường ra trận mùa này đẹp lắm” chỉ có ở trong thơ ca, trong trái tim những người yêu nước, coi cầm súng là nghĩa vụ thiêng liêng. Còn thực tế, khi ấy, ĐQ Mĩ đang rải chất độc màu da cam xuống những cánh rừng Trường Sơn. Quỳnh Như kể rằng bác đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột, và đã bị thương cũng trong thời gian ấy. Thật nể phục bác - một thương binh với 42 năm tuổi Đảng !

Bố đẻ thầy giáo Dương Mạnh Hải là bác Dương Đình Hưng. Chào đời đúng năm 1954, năm giải phóng Thủ đô, và 20 năm sau ngày ấy, ông cũng như nhiều chàng trai Hà Nội khác đã “xếp bút nghiên theo việc binh đao”, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đoàn quân tiến về Sài Gòn năm ấy, ông đã bị thương. Nhưng vết thương chưa lành, ông lại tiếp tục sang Campuchia để giữ sự bình yên cho nước bạn, cho nước mình. Điều rất thú vị, ông là phụ huynh giáo viên gần với trường Nguyễn Tri Phương nhất, ngay trước cổng trường. Và ông đã chứng kiến quá trình xây dựng ngôi trường từ viên gạch đầu tiên đến nước vôi cuối cùng !

TRỞ THÀNH DÂU NGOAN, RỂ HIỀN là hạnh phúc của cô giáo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hải Tùng, của thầy giáo chủ tịch công đoàn Lê Đức Lượng. 
Bố chồng cô giáo Nguyễn Thị Hải Tùng là bác Vũ Đình Phú. Năm 1970, trong một trận chiến, bom đạn đã cướp đi đôi mắt của ông. Người thương binh ấy vẫn giữ phong độ đẹp trai, tài hoa nên cưới vợ mà không hề được ngắm dung nhan của cô dâu. Năm 1982, sau bao nhiêu cố gắng của những người thân và nghị lực của một người lính, bác đã mổ mắt và đón nhận điều kỳ diệu: được trực tiếp ngắm nhìn người bạn đời của mình. Giỏi giang, tháo vát và kỷ luật, bác chăm chút cho tất cả con cháu trưởng thành, và hiện bác rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

Bố vợ thầy giáo Lê Đức Lượng là bác Nguyễn Hữu Định. Sinh năm 1932, bác là phụ huynh giáo viên nhiều tuổi nhất. Theo lời kể của chàng rể, thì ngày xưa, một sớm mùa thu hương cốm mới, chàng trai trí thức trẻ Hà Nội ấy cũng hòa trong lứa “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, nhưng vẫn mang trọn vẹn tình yêu với Hà Nội phố để biết: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Ra trận với tư cách của 1 trí thức Hà Nội tài hoa, đem theo tính kỷ luật của người lính,… ông đã đón duyên trăm năm với cô giáo tiểu học (kém ông 20 tuổi cơ đấy!). Hòa bình, rời cây súng, ông lại tiếp tục tục tu nghiệp ở Nga, rồi về nước cầm phấn, lên bục giảng đuổi giặc dốt. Ông nguyên là Phó GS-TS, Giảng viên trường ĐH Tổng Hợp danh giá, là một người thầy mẫu mực với chúng tôi!

Nhân ngày 27/7, kỉ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam, thay mặt Hội đồng sư phạm và Công đoàn nhà trường, xin gửi tới bác và toàn thể gia đình lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc, Bình an!

Tác giả: GiangVan

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ:

Liên kết website